Mẹ đã từng lo đến tái mặt khi thấy con mình ngã đập đầu xuống đất hay chưa? Đã khi nào bé ngã tới mức ngất lịm đi ? Trong những trường hợp như vậy, mẹ cần xử lý như thế nào? Hãy đọc kỹ những thông tin trong bài viết này để bảo vệ con mình nhé các mẹ ! 

Trẻ ngã đập đầu xuống đất
Không chủ quan khi trẻ ngã đập đầu xuống đất

Mình vừa trải qua một ngày “mất hồn” vì bé con nhà mình ngã đập đầu xuống đất, ngất lịm đi. Khi đó bé đang bám chân mình nô đùa, còn mình thì đang bế bé em trên tay nên không đỡ kịp. Bé nện thẳng phần đầu gáy xuống nền gạch, khóc to một tiếng rồi lịm luôn. Cả người bé bỗng dưng cứng đờ mất vài giây. Lúc đó mình thực sự rất sợ hãi, chỉ biết gọi bà đưa đi bệnh viện. Rất may khi đến khám thì bác sĩ bảo con không sao. Nhưng sau lần này, mình thấy bản thân quá thiếu hụt kiến thức sơ cấp cứu khi con gặp nguy hiểm nên đã tức tốc tìm hiểu về cách xử lý khi con bị ngã đập đầu xuống đất. Mình xin chia sẻ cụ thể với các mẹ trong bài viết này để chúng ta cùng bảo vệ các con cho tốt.

Mối nguy hiểm khi trẻ ngã đập đầu xuống đất

Khi trẻ tập đi, và sau này khi đã biết đi biết chạy nhảy, bản tính hiếu động khiến trẻ luôn đối mặt với những va chạm và những cú vấp ngã. Trong khi đó, theo các bác sĩ khoa Phẫu thuật thần kinh, Đại học Y khoa Trùng Khánh (Trung Quốc), tỷ lệ cơ thể của trẻ ở những năm tháng đầu đời chưa cân đối, phần đầu lớn nên bé dễ bị ngã vì mất cân bằng. 

Ngã đập đầu xuống đất rất nguy hiểm
Trẻ có thể bị chấn thương sọ não khi ngã đập đầu xuống đất

Các bác sĩ cũng cảnh báo mẹ không được chủ quan nếu thấy con bị ngã đập đầu, bởi bé có thể bị tụ máu hay bị chấn thương sọ não rất nguy hiểm. Cụ thể, biến chứng chấn thương sọ não sau va đập ở đầu xảy ra khoảng 36-48 giờ sau khi bị chấn thương với các dạng: gãy lún xương sọ và chảy máu, tụ máu dưới màng cứng. Nhẹ thì để lại di chứng, mà nặng thì có thể sẽ bị tử vong. 

Cách xử lý sai lầm khi con bị ngã đập đầu xuống đất

Thực tế cho thấy khi trẻ ngã, các bà mẹ thường lập tức lao đến bế con dậy. Bản thân mình cũng vậy, khi thấy bé nhà mình ngã đập đầu xuống đất, mình đã vội vàng lao đến nâng con lên. Tuy nhiên sau khi tìm hiểu, mình mới biết hành động bản năng này có thể đẩy con vào tình trạng nguy hiểm. Nếu cú ngã khiến con bị chấn thương sọ não mà cha mẹ lại nâng con lên nhanh thì có thể sẽ khiến tình trạng của con tồi tệ hơn.

Cần làm gì khi trẻ ngã đập đầu xuống đất ?

Vậy khi con ngã, cha mẹ cần làm gì? Cách thức xử lý đúng như sau:

  • Trước tiên, quan sát trong vài giây xem con thế nào, cú ngã mạnh tới đâu….
  • Thứ hai, xem kỹ xem bàn tay, bàn chân, cánh tay, đầu của con có bị sưng, bị bầm tím hay bị xước hay không ?
  • Cuối cùng, theo dõi tình trạng cảm xúc của con xem con tỉnh táo, linh hoạt, hay ngủ sâu sau khi ngã, hoặc có nhức đầu, nôn ói hay có vấn đề gì khác hay không?
Quan sát kỹ con sau khi ngã
Cần quan sát kỹ tình trạng của con sau khi ngã

Những dấu hiệu không cần quá lo lắng

Mặc dù chấn thương đầu rất nguy hiểm, nhưng không phải trường hợp nào cũng ở mức độ nghiêm trọng. Có những dấu hiệu cho thấy con chỉ bị chấn động nhẹ, mẹ hoàn toàn không cần quá lo lắng. Đó là :

  • Con khóc thét sau khi ngã, sau đó vẫn vui chơi sinh hoạt bình thường. 
  • Nếu tại vị trí va đập có dấu hiệu sưng, nổi cục lớn thì mẹ nên chườm lạnh chỗ sưng để giảm bớt tình trạng sưng tấy. Mẹ có thể dùng khăn sạch bọc đá bên trong rồi chườm lên chỗ sưng từ 10-15 phút, sau đó cách 1 tiếng chườm lại lần nữa cho  vết thương xẹp hẳn. Sau đó, mẹ theo dõi con trong vòng 1-2 ngày. Nếu như con có biểu hiện bình thường, tinh thần ổn định, ăn uống tốt thì mẹ có thể yên tâm rằng con không bị ảnh hưởng gì sau cú ngã. 
  • Nếu vết thương của con rỉ máu, mẹ cần cầm máu và sát trùng vết thương cho con ngay lập tức. Nếu vết thương tự lành trong vòng 2-3 ngày thì đây là vết thương hở, và mẹ không cần phải quá lo lắng.
  • Sau khi ngã, con nôn ói nhưng vẫn có ý thức, tinh thần thoải mái thì mẹ không cần quá lo lắng bởi như vậy có nghĩa là không có tổn hại tới sức khỏe của con. Bởi thông thường, sau khi ngã, ngay cả khi không có chấn thương sọ não, nhiều bé vẫn có thể nôn 1 – 2 lần do khóc, ho, hoặc đơn giản là do sự va đập của hộp sọ. Để đề phòng bé nôn, mẹ chỉ nên cho bé uống nước hoặc bú sữa mẹ, không nên cho bé dùng thức ăn đặc trong vòng vài giờ đầu sau khi bị ngã.

Những trường hợp cần đưa trẻ đến bệnh viện

Mẹ cần đưa con đến bệnh viên ngay lập tức khi con có các dấu hiệu sau đây:

  • Nếu con bị bất tỉnh sau khi ngã, dù chỉ vài giây, mẹ cũng không được chủ quan. Trong trường hợp này, mẹ phải biết rằng lực va đập có thể đã đủ mạnh để gây ra khối máu tụ. Để yên tâm, mẹ nên cho con vào bệnh viện kiểm tra. 
  • Trong trường hợp vết thương của con rỉ máu, sau khi sát trùng 3 ngày mà vết thương vẫn bầm tím, trẻ bị mất ý thức hoặc hộp sọ bị biến dạng bất thường thì mẹ cần phải đưa con tới cơ sở y tế kiểm tra ngay lập tức.
  • Sau khi ngã, nếu con kêu chóng mặt thì mẹ chưa cần phải lo lắng. Nhưng nếu mẹ quan sát thấy con bị mất thăng bằng, ngã lên ngã xuống khi đi thì mẹ cần đưa con đi khám bác sĩ ngay.
Lưu ý triệu chứng trẻ hay khóc
Đưa trẻ tới bệnh viên nếu trẻ hay khóc sau khi ngã
  • Nếu thấy con cáu giận, khóc lóc, ăn vạ nhiều hơn, hoặc bé thường xuyên kêu đau đầu, bỏ ăn, nôn mửa, máu chảy qua đường tai hoặc mũi thì mẹ cần đưa bé tới bệnh viện ngay.
  • Nếu con phản xạ chậm, mất tập trung, có biểu hiện nói lắp, nôn mửa;  hoặc yếu liệt nửa người, không nói được; đồng tử giãn nở ở một bên mắt … thì có nghĩa con đã bị chấn thượng sọ não khá nặng. Mẹ cần khẩn trương đưa con đến bệnh viện để bác sĩ có hướng điều trị kịp thời.

Cần làm gì để hạn chế bé ngã đập đầu xuống đất ?

Như vậy có thể thấy việc ngã đập đầu xuống đất vô cùng nguy hiểm. Vậy cha mẹ cần phải làm gì để ngăn ngừa rủi ro, hạn chế nguy cơ gây chấn thương đầu cho con mình? Dưới đây là một số điều mà các mẹ nên lưu tâm.

  • Không cho con chơi trên giường, trên bàn ghế một mình.
  • Dưới chân giường cần trải nệm, tường sát giường cần dán tấm xốp, tấm nệm mút, hoặc che chắn bằng các vật mềm như gối để đề phòng trẻ tập bò, tập lẫy có thể va đầu vào tường.
  • Làm tấm chắn nơi giường trẻ nằm, lối đi ra cầu thang, ban công..
  • Các cửa sổ phải có song sắt để tránh trường hợp trẻ leo trèo ngã nhào ra ngoài.
  • Nếu trẻ nằm võng thì cha mẹ cần chú ý cột dây thật chắc và đưa lắc nhẹ nhàng khi ru trẻ ngủ.
  • Khi cho trẻ ngồi vào ghế cao hay xe đẩy thì phải có dây đai giữ
  • Khi cho con tập bò tập đi, cha mẹ cần chọn không gian rộng rãi, dọn dẹp các đồ vật cồng kềnh hoặc sắc nhọn vì những vật này có thể khiến bé bị thương.
  • Không để trẻ tập đi, chơi đùa trên sàn nhà ướt, trơn trượt.

Việc trẻ nhỏ hiếu động, tập bò, tập đi khó tránh được vấp ngã. Thế nên điều quan trọng là cha mẹ cần nắm vững kiến thức để xử lý đúng nhất khi con bị ngã, đặc biệt là ngã đập đầu xuống đất. 

193 views

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *