Khi bạn biết tin vui rằng mình đang có một sinh linh dần lớn cũng là lúc bạn được “tặng kèm” không ít những “món quà” mà bạn chẳng hề muốn nhận. Chứng táo bón là một trong số đó. Bạn có biết nguyên nhân vì sao và làm cách nào để có thể trị dứt chứng táo bón mà không làm ảnh hưởng tới thai nhi chưa? Bài viết sẽ giới thiệu cho bạn cùng tham khảo nhé!

Táo bón - nối ám ảnh của bà bầu
Táo bón – nỗi ám ảnh của bà bầu

Táo bón là gì?

Táo bón có liên quan đến sự lưu chuyển của những chất thải rắn và nhỏ trong đường ruột.  Càng nằm lâu trong ruột, nước có trong chất thải bị tái hấp thu vào trong cơ thể càng nhiều hơn.

Một trong số các chức năng chính của ruột già là hấp thu bớt nước trở lại thông qua niêm mạc ruột. Ở một vài người, chất thải tồn tại quá lâu trong ruột mà không được đưa ra ngoài thì sẽ mất hết nước, trở nên cứng và khô.

Ruột già cũng có nhiệm vụ là tống đẩy chất thải dọc theo thành ruột theo hướng trực tràng. Khi có sự gián đoạn trong quá trình này, chất thải bị dồn lại lâu hơn cần thiết và gây ra táo bón.

Cơ thể chúng ta cần một lượng nước nhất định để giúp chất thải rắn tạo hình và chuyển động trong ruột.  Nếu ít nước, khi chuyển động đẩy chất thải xuống, nó sẽ gây đau ruột, đau hậu môn và đôi khi gây mất nước ở các mô. Nó cũng có thể dẫn đến các vấn đề về hôi miệng, cơ thể cảm giác thấy mệt mỏi và chậm chạp hơn.

Nguyên nhân do đâu bà bầu thường bị táo bón?

Chứng táo bón khiến chúng ta rất khó chịu, nhưng tiếc thay lại là rất phổ biến ở phụ nữ khi mang thai. Khi thai nhi trong bụng của bạn to lên, áp lực của tử cung dồn nén lên dạ dày, trực tràng càng làm trầm trọng thêm vấn đề.

Theo các bác sĩ chuyên  khoa, đây là một số lý do có thể là nguyên nhân khiến bà bầu bị táo bón:

  •  Do thay đổi mức Progesterone: Nồng độ progesterone thường tăng cao trong thời kì mang thai. Hormone này có thể làm giãn các cơ trong đường tiêu hóa, khiến cho thức ăn di chuyển chậm trong đường ruột dẫn đến chứng táo bón.
  • Do uống bổ sung thuốc sắt  khi mang thai dẫn đến táo bón: Đa số bà bầu đều uống bổ sung sắt trong thai kì, vì sắt là một chất dinh dưỡng quan trọng. Chứng táo bón có thể là một tác dụng phụ nếu như bà bầu uống loại thuốc này quá nhiều.
  • Do mất nước: Khi mang thai, bạn dễ bị mất nước, vì cơ thể bạn sử dụng nhiều nước hơn để giúp tạo thành nhau thai và túi ối. Khi bạn bị mất nước, cơ thể bạn phải vật lộn để thực hiện các chức năng thông thường, và táo bón là một trong những biến chứng điển hình.
  • Do thiếu hoạt động: Khi bụng của bạn càng ngày càng trở nên to hơn, nó có thể gây khó khăn cho việc vận động, đi lại. Điều này khiến hoạt động tiêu hóa bị trì trệ và cũng chính là khởi nguồn của chứng táo bón trong  thai kỳ.
  • Do căng thẳng: Mang thai có thể mang đến những trải nghiệm tuyệt vời nhưng nó cũng khiến một số người rơi vào trạng thái căng thẳng, stress, lo lắng, đặc biệt là khi sắp đến ngày dự sinh. Sự căng thẳng của thần kinh trung ương cũng khiến nhu động ruột hoạt động yếu hơn, khiến bà bầu bị táo bón.
  • Do chế độ ăn ít chất xơ mà lại quá nhiều sữa: Nếu chế độ ăn thiếu rau xanh cùng với việc uống quá nhiều sữa trong thời gian mang thai thì đây cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến khiến cho bà bầu phải đối mặt với chứng táo bón.
  • Táo bón do bệnh: Chứng táo bón trong thai kỳ còn là biểu hiện của các bệnh lý mà có thể bạn chưa phát hiện ra như viêm đại tràng, rối loạn tiêu hóa…
  • Chứng táo bón cũng thường gặp ở những phụ nữ thường dùng thuốc nhuận tràng để đi vệ sinh, hoặc những người đã từng lạm dụng thuốc nhuận tràng trong quá khứ.
  • Do bạn đã bỏ qua các dấu hiệu cần phải đi vào nhà vệ sinh. Nhịn đi vệ sinh quá lâu, không đi ngay khi có nhu cầu hoặc bỏ qua các tín hiệu của cơ thể… đều có thể dẫn đến táo bón. Theo thời gian, việc này có thể dẫn đến những thay đổi  tình trạng chung của thành ruột và trực tràng, nghĩa là cơ thể ít tiếp nhận các tín hiệu bài tiết thông thường.

Trong thực tế, đa số bà bầu bị táo bón không phải do một mà nhiều nguyên nhân kết hợp cùng lúc. Các bạn nên rà soát lại tất cả các yếu tố trên để không bỏ sót bất kì thủ phạm gây bệnh  nào khi có các dấu hiệu táo bón.

Dấu hiệu cho thấy bà bầu bị táo bón

Chứng táo bón ở bà bầu có thể được nhận biết dựa vào các dấu hiệu sau:

  • Số lần đi đại tiện trong tuần ít hơn 3 lần. Một số trường hợp đi ngoài 1-2 ngày một lần mà phân khô cứng, khó đi vẫn được xếp vào diện bị táo bón.
  • Khó đi tiêu, bạn phải rặn mạnh mới đi được.
  • Đi ngoài thấy phân cứng, khô.
  • Thi thoảng có những cơn đau ở bụng dưới.
  • Có cảm giác chán ăn.
  • Khuôn phân to, đóng thành cục cứng, có kích thước to nhỏ khác nhau.
  • Khi đi tiêu có cảm giác như bị cản trở, đi không hết phân.
  • Phân có lẫn ít chất nhầy.

    Chứng táo bón ở bà bầu có ảnh hưởng đến thai nhi không?

    Nếu lâu lâu mới bị táo bón một lần, các bạn không cần quá lo lắng. Nhưng nếu bà bầu bị táo bón nặng, cả tuần mới đi được một lần thì  cũng có nguy cơ bị thiếu hụt chất dinh dưỡng rất cao. Điều này có thể khiến cho bào thai chậm phát triển, em bé sinh ra bị nhẹ cân, suy dinh dưỡng.

    Nguy cơ sẩy thai cũng tăng cao nếu như lần nào đi cầu bạn cũng phải dùng hết sức rặn để đẩy phân ra ngoài. Thêm nữa, khi phân tồn đọng lâu ngày trong đại tràng, các chất độc hại như sẽ bị thẩm thấu ngược vào trong máu, và được đưa đi khắp cơ thể, trong đó có cả bào thai, từ đó dẫn đến hậu quả là bạn có thể bị ngộ độc thần kinh và thai nhi bị nhiễm độc nên cũng không phát triển được bình thường.

    Đôi khi chứng táo bón ở bà bầu có thể là triệu chứng của một vấn đề khác. Hãy đến gặp bác sĩ ngay nếu bạn bị táo bón kèm theo đau bụng dữ dội, xen kẽ với tiêu chảy, máu hay chất nhầy.

    Những cách trị chứng táo bón cho bà bầu an toàn, hiệu quả

    Chứng táo bónkhi mang thai có thể được cải thiện khi chúng ta điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt cho đúng cách, kết hợp với các biện pháp  an toàn dưới đây:

    1. Bạn cần tăng cường ăn các thực phẩm giàu chất xơ chống táo bón khi mang bầu

    Chất xơ là chất liệu chính tạo ra khối phân, giúp phân di chuyển dễ dàng trong đường ruột. Có rất nhiều loại thực phẩm giàu chất xơ tuyệt vời để bạn lựa chọn:

  • Các loại hoa quả tươi, bỏng ngô,các loại đậu.
  • Các sản phẩm trái cây sấy khô như mơ, mận, nho khô…
  • Ngũ cốc nguyên hạt như bột yến mạch, hạt quinoa, ngô, hạt kê, mè đen…
  • Hạt chia.
  • Các loại rau xanh giàu chất xơ và có tính nhuận tràng như rau đay, rau mồng tơi, ngọn rau lang…Một số bà bầu bị táo bón nặng còn đi ngoài ra cả máu, đây là do niêm mạc hậu môn bị tổn thương khi phân di chuyển qua.

 2. Chữa táo bón cho bà bầu bằng dầu dừa

Dầu dừa là một chất béo có tác dụng hỗ trợ trong điều trị táo bón. Dầu dừa chứa nhiều axit béo chuỗi trung bình, cung cấp năng lượng nhanh cho các tế bào trong đường ruột của bạn, làm tăng sự trao đổi chất, kích thích ruột và làm mềm phân. Hiệu quả bôi trơn của dầu dừa cũng làm giảm ma sát trong quá trình đi tiêu.

Bà bầu bị táo bón nên ăn 1-2 muỗng canh dầu dừa mỗi ngày. Bạn có thể dùng dầu dừa xào nấu món ăn, trộn sa lát hoặc pha với nước ấm uống đều có tác dụng trị táo bón rất tốt.

3. Bổ sung magie để tạm biệt chứng táo bón cho bà bầu

Magiê là một khoáng chất cần thiết mà cơ thể chúng ta rất cần để hoạt động. Đối với hệ tiêu hóa, magiê giúp hút nước nhiều hơn vào trong thành ruột, làm mềm phân. Do vậy, khi bị táo bón, bạn cần được bổ sung từ 350 – 360 mg magie mỗi ngày.

Cách an toàn nhất để bổ sung magie đó chính là qua con đường ăn uống. Các thực phẩm có chứa nhiều magie bao gồm: Hạt chia, quả óc chó, bơ, chuối, sữa chua và các loại rau ăn lá có màu xanh đậm. Nếu chế độ ăn uống không thể cung cấp đủ lượng magie cơ thể, bạn cần hãy hỏi ý kiến bác sĩ về việc uống bổ sung thuốc. Tránhviệc tự ý mua thuốc magie về uống quá liều lượng, sẽ gây tác dụng phụ không tốt cho sức khỏe.

4. Bổ sung chất lỏng là cách chữa táo bón cho bà bầu đơn giản nhưng hiệu quả hơn cả

Trái cây và nước ép trái cây giúp trị chứng táo bón
Trái cây và nước ép trái cây giúp trị chứng táo bón

Khi cơ thể bị mất nước, nó sẽ hút nước từ ruột, vì vậy góp phần gây táo bón trong thai kỳ. Người bình thường cần uống 2 lít nước mỗi ngày. Bà bầu cần uống bằng và nhiều hơn mức này. Tuy nhiên, bà bầu bị táo bón có thể cắt giảm lượng nước nói ở trên nếu trong ngày có sử dụng một số loại nước khác như:

  • Nước canh, nước luộc rau.
  • Nước ép trái cây, nước ép rau củ (tốt nhất là nước ép từ cam, quýt, nước ép rau má, cà rốt…)
  •  Ăn súp, cháo…

Tốt nhất là các bạn nên bổ sung chất lỏng dạng ấm bởi nước ấm giúp làm thư giãn đường ruột. Khi mang thai, bạn cần tránh uống nước lạnh vì nó gây tê liệt các dây thần kinh trong đường ruột và khiến các cơ ruột không co bóp để đẩy thức ăn xuống dưới.

5. Khắc phục chứng táo bón cho bà bầu bằng cách tập thể dục

Tập yoga giúp tránh chứng táo bón ở bà bầu
Tập yoga giúp tránh chứng táo bón ở bà bầu

Quan niệm cũ cho rằng khi có bầu, phụ nữ cần “đi nhẹ,nói khẽ, cười duyên”, hạn chế vận động. Tuy nhiên, thực tế là, vận động cơ thể nhẹ nhàng, phù hợp sẽ giúp ích cho sức khỏe bà bầu nói chung và nhu động ruột hoạt động hiệu quả hơn. Bà bầu chỉ cần bỏ ra 10-15 phút để tập các bài tập thể dục nhẹ nhàng , bao gồm đi bộ hoặc yoga có thể giúp giảm một số triệu chứng của táo bón trong thai kỳ.

6. Cách chữa táo bón cho bà bầu bằng mật ong và mè đen

Mật ong hoạt động giống như một chất bôi trơn đường ruột, đồng thời giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Khi kết hợp với thực phẩm giàu chất xơ và có tính nhuận tràng như là mè đen (có nơi gọi là vừng đen) thì sẽ giúp các bạn khắc phục chứng táo bón khi mang thai hiệu quả.

Nếu bạn bị táo bón có thể dùng mật ong và mè đen để điều trị theo cách sau: Lấy 50g mè đen cho vào chảo, rang lên cho đến lúc nghe mùi thơm. Sau đó, đem trộn mè đen với 30ml mật ong,  chia ăn vài lần trong ngày. Dùng vài ngày liên tục sẽ thấy khả năng tiêu hóa được cải thiện tốt hơn.

7. Cách trị chứng táo bón cho bà bầu bằng quả sung

Sung vốn là một vị thuốc nhuận tràng trong y học cổ truyền. Thêm vào đó, sung còn chứa hàm lượng chất xơ cao hơn rất nhiều so với một số loại rau quả khác. Với tác dụng này, quả sung được dân gian tin dùng để chữa táo bón khi mang bầu.

Cách sử dụng như sau: Chuẩn bị 10g quả sung tươi, một đoạn ruột già của lợn. Sung đem rửa sạch, bổ đôi rồi hầm chung với ruột lợn. Nêm nếm gia vị vừa ăn và dùng trong 5-7 ngày liên tục. Tình trạng táo bón sẽ giảm thấy rõ.

8. Loại bỏ táo bón cho bà bầu bằng chanh

Trong nước chanh chứa nhiều axit xitric và chất xơ. Các chất này có tác dụng kích thích tiêu hóa, thải độc và cải thiện các triệu chứng của táo bón. Mỗi ngày vào buổi sáng, các bạn nên uống một ly nước ấm có pha chanh tươi và một chút mật ong sẽ giúp dễ đi cầu hơn.

9. Cách chữa chứng táo bón cho bà bầu bằng thuốc

Trong trường hợp bà bầu bị táo bón nặng, không đáp ứng được với các phương pháp tự nhiên thì phải dùng thuốc điều trị. Vấn đề quan trọng được nhiều các bà bầu quan tâm là bà bầu bị táo bón nên uống thuốc gì cho an toàn? Và đây là một số loại thuốc trị táo bón cho phụ nữ mang thai thường được bác sĩ chuyên khoa chỉ định:

  • Thuốc nhuận tràng thẩm thấu: Thuốc nhuận tràng thẩm thấu kích thích ruột hấp thụ nước từ cơ thể. Quá trình này diễn ra chậm, có khi phải mất nhiều ngày để ảnh hưởng đến tính nhất quán của phân. Thuốc nhuận tràng thẩm thấu tuy rằng có thể giúp phân mềm và dễ di chuyển trong đường ruột hơn nhưng nếu dùng không đúng cách thì sẽ gây mất nước, rối loạn chất điện giải. Vì vậy,các bạn cần dùng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.
  • Chất làm mềm phân: Gồm các thuốc như Colace, Dulcolax có tác dụng giúp làm ẩm và làm mềm phân.

Nếu bà bầu bị táo bón do mắc các bệnh lý đường ruột thì cần đi khám để được điều trị. Các bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định cho  bạn các loại thuốc thích hợp và an toàn nhất.

10. Những biện pháp khác có thể giúp hỗ trợ điều trị chứng táo bón ở bà bầu

  • Hãy dành thời gian để ngồi trong nhà vệ sinh mà không bị ảnh hưởng mỗi ngày. Bạn cần dành thời gian hoàn toàn cho việc đi cầu, có thể là sau bữa ăn sáng, ăn trưa hoặc ăn tối và quan trọng là cố gắng không để bản thân cảm thấy quá nôn nóng hay bị vội vã. Bạn có thể mang theo một cuốn sách, một tờ báo, khóa cửa lại và cố gắng thư giãn.
  • Cần tránh bị căng thẳng và ngồi quá lâu. Căng thẳng làm táo bón thêm tồi tệ, còn ngồi quá lâu lại không tốt cho sự lưu thông máu, ảnh hưởng tới sức khỏe, hơn nữa, càng về thời kì cuối của thai kì, em bé lớn lên làm bụng càng ngày càng to, điều này cũng khiến bạn khó có thể ngồi lâu mà không gây khó chịu. Mách bạn: để có thể ngồi xổm lâu hơn trong nhà vệ sinh, bạn có thể ngồi hơi cúi về phía trước với khuỷu tay đặt trên đầu gối, đầu gối sẽ có nhiệm vụ đỡ một phần trọng lượng giúp bạn.
  • Cần tránh uống quá nhiều cà phê. Cà phê có thể ảnh hưởng việc lợi tiểu hay mất nước, từ đó ảnh hưởng tổng hợp gây ra táo bón. Nước lọc, nước trái cây và nước khoáng  hoặc soda là lựa chọn thay thế hợp lý.
  • Một số loại thuốc cần thiết cho bà bầu nhưng lại có tác dụng phụ gây táo bón. Hãy hỏi dược sĩ để tìm được các loại thuốc thay thế để tránh tác dụng phụ này.
  • Tránh bỏ qua các tín hiệu cơ thể của bạn giục cần phải đi vệ sinh, nói cách khác, khi có dấu hiệu cần đi vệ sinh, bạn phải ưu tiên cho nó, không nên vì công việc bận rộn mà nhịn đi vệ sinh trong thời gian dài hơn cần thiết.

Bà bầu cũng cần ghi nhớ:

Chứng táo bón không phải là chứng hiếm gặp trước và cả sau khi sinh con. Trong những tuần đầu sau sinh, việc đau xung quanh đáy chậu và hậu môn là phổ biến ở sản phụ. Cảm giác này xuất hiện phổ biến hơn ở các bà mẹ đã bị khâu vết rạch tầng sinh môn. Trong thời kì cho con bú, điều quan trọng là các bà mẹ sẽ phải uống nhiều nước hơn nữa, vì táo bón cũng thường xảy ra trong thời kỳ này.

Táo bón khi mang thai và sau sinh có thể dẫn đến phát triển thành bệnh trĩ (lòi dom). Điều này gây ra đau đớn và khó chịu thực sự sau khi sinh con. Bạn cần phải thấy rõ những lợi ích trong việc duy trì thói quen đi vệ sinh thường xuyên và thoải mái. Vì thế, đã có nhiều phụ nữ  mang theo cám, các loại hạt đậu, hạt giống và thuốc làm mềm phân tới bệnh viện phụ sản. Các bạn cần nhớ là nếu dùng chúng thì phải  nhờ bác sĩ hoặc nữ hộ sinh kiểm tra lại xem chúng có bị chống chỉ định khi bạn cho con bú hay không.

Chúc các bạn có một thời kì mang thai, sinh con thật thoải mái với những kinh nghiệm bỏ túi này nhé!

1768 views

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *