Cho bé bú sữa là một điều hết sức khích lệ mẹ trong việc chăm sóc em bé. Nhưng không phải ai cũng biết cách cho con bú như thế nào và bao nhiêu là đủ. Hãy cùng Mẹ bầu em bé tìm hiểu về việc cho em bé bú đúng cách nhé!

1. Khi nào thì cho con bú?
Khóc là một dấu hiệu đòi ăn muộn của việc bé cảm thấy đói, vì vậy thay vì đợi đến khi bé khóc quấy vì đói, mẹ nên nhận ra tín hiệu bé đòi ăn, và cho bé ăn sớm hơn. Các dấu hiệu trẻ đòi ăn như: Xoay đầu từ mặt sang bên để tìm vú, nút lưỡi, miệng chuyển động như đang bú mẹ, rúc tìm ngực mẹ, quằn người và cho tay vào miệng,…
Những hành vi trên là bản năng của trẻ, sẽ được nhìn thấy sớm nhất là 1-2 giờ sau sinh và tiếp tục ít nhất 3 tháng sau sinh.
2. Bé bú bao nhiêu lần/ngày và lượng sữa bao nhiêu là đủ?
Tùy theo cơ địa và nhu cầu của từng trẻ mà số lần bú và lượng sữa sẽ khác nhau. Theo các chuyên gia, trẻ sơ sinh cần bú khoảng 8-12 cữ sữa trong 1 ngày. Mỗi lần bú cách nhau 2 tiếng nếu bú mẹ và 3 tiếng nếu uống sữa công thức. Khi mới chào đời, dạ dày của trẻ sơ sinh rất nhỏ, kích thước chỉ bằng một quả anh đào, lúc này bé chỉ cần khoảng 7ml sữa cho mỗi cữ bú. Kích thước dạ dày của bé sẽ tăng dần theo từng ngày, đến ngày thứ 3 sau sinh, dạ dày của bé đã có kích thước tương đương một quả óc chó và có thể chứa được khoảng 22-27ml cho mỗi cữ bú. Phải đến cuối tuần đầu tiên, dạ dày của bé sẽ lớn tương đương bằng quả đào, có thể chứa được khoảng 45-60ml sữa.
Sau hai tuần đầu, trẻ có thể bú trung bình từ 60ml – 100ml/ cữ. Khi đã được 3 tháng lượng sữa của bé mỗi lần bú có thể tăng từ 600 -900 ml tương đương với khoảng 90-150 ml sữa/ lần bú. và duy trì tiếp tục lượng này cho đến những tháng kế tiếp. Thời gian trung bình mỗi cữ bú của bé nên kéo dài từ 20-30 phút, ít nhất 10 phút cho mỗi bên ngực vì khoảng 10 phút đầu trẻ chỉ bú được lượng nước là chủ yếu, trong khi lượng sữa mẹ tiết ra sau đó mới thực sự mang nhiều dưỡng chất tốt cho sự phát triển của trẻ . Khi lớn hơn một chút, thời gian bú của bé cũng sẽ ngắn hơn. Bé chỉ cần khoảng 5-10 phút cho mỗi cữ bú là có thể bú đủ lượng sữa cần thiết.
Với những bà mẹ trẻ khi sinh con lần đầu thì chuyện nhận biết bé đã bú đủ no hay chưa là một chuyện không hề đơn giản. Tuy nhiên, mẹ chỉ cần chịu khó quan sát một vài dấu hiệu dưới đây sẽ biết ngay con có bú đủ hay không.
- Sau mỗi lần bú, bầu ngực của bạn trở nên mềm hơn.
- Trẻ đi ngoài với phân có màu vàng, mềm.
- Đi tiểu đều đặn, nước tiểu không có màu hoặc màu vàng nhạt, không có mùi hôi. Điều này chứng tỏ bé đã nhận đủ sữa.
- Con bạn sẽ thể hiện sự vui vẻ, thoải mái và hài lòng sau mỗi lần bú.
- Cân nặng của bé sẽ tăng lên một cách đều đặn sau khoảng 2 tuần đầu tiên.
3. Cho bé bú đúng cách
Trước khi cho bé bú, bạn hãy hít thở dài hơi và thư giãn đôi vai. Nếu ở trong phòng riêng thì hãy cởi áo ngực ra. Không vướng víu quần áo, bạn có thể làm cho bé dễ áp vào ngực hơn, tạo vị trí thích hợp với bầu vú và bú có hiệu quả hơn.
3.1. Tạo tư thế giúp mẹ thoải mái khi cho bé bú
Việc cho bé bú có thể mất hàng giờ trong những tuần đầu tiên. Vì vậy, khi cho bé bú, bạn hãy ngồi thoải mái trong tư thế thẳng và có chỗ dựa lưng. Một chiếc ghế thấp không tay vịn là lý tưởng, hoặc ngồi trên giường thì bạn nên kê nhiều gối để dựa lưng.
Hãy đặt vào lòng một cái gối cao để nâng bé lên cho vừa tầm, hoặc co một bên đầu gối lên để đỡ cơ thể bé.
3.2. Phản xạ tìm đầu vú của bé
Bé có một phản xạ theo bản năng khiến cho bé tìm vú bạn để bú – đó là phản xạ “sục tìm”. Cho đến khoảng ngày thứ 10 của bé, bạn hãy nhắc nhở phản xạ này bằng cách cọ bên má của bé gần kề bạn nhất, bé sẽ quay về phía vú bạn và bắt đầu tìm đầu vú.
Nếu bé không quay đầu theo bản năng , bạn hãy thử bóp nhẹ ngay sau quầng vú cho đến khi hiện lên vài giọt sữa trên đầu núm vú. Hãy đưa núm vú đang giọt sữa chạm vào môi bé để kích thích bé há miệng.
Đưa đầu bé lên gần vú bạn, sao cho cằm bé kề sát vú và lưỡi bé ở ngay đầu vú bạn. Hướng cho vú bạn vào miệng bé.
3.3. Gắn chốt
Một khi miệng bé đã “gắn chốt” vào vú bạn rồi, thì bé không chỉ mút mà còn vắt bầu vú bằng hai hàm của bé bằng cách ép vào các túi trữ sữa ở vùng đáy của quầng vú. Nếu bạn bị đau đầu vú, chứng tỏ bé chỉ mút trên đầu ti, nó không chỉ khiến bạn đau mà bé cũng chẳng mút được tí sữa nào. Bạn hãy hít thở sâu để cảm thấy thư giãn và đỡ đau hơn.
Quan sát từ vị trí của bạn, em bé khi bú sẽ há rộng hai hàm và cả bầu vú của bạn lấp đầy miệng bé. Bạn có thể biết được bé có đang bú đúng cách hay không dựa vào quan sát thái dương và tai bé có cử động theo không.
3.4. Phản ứng xuống sữa
Động tác bú của bé kích thích hai bầu vú của bạn phóng thích khối sữa đã tích trữ. Bạn có thể cảm thấy dòng sữa ấm đang tuôn ra, đây là phản ứng xuống sữa, như một cảm giác tê tê ngay sau khi bé ” gắn chốt” ở vú bạn. Tuy nhiên, không phải ai cũng có cảm giác ấy, vì vậy, bạn cũng đừng ngạc nhiên nếu bạn không cảm thấy thế. Nếu phản ứng này làm sữa rỉ ra ở đầu vú bên kia, bạn hãy dùng một miếng lót vú, hoặc khăn mềm để thấm sữa.
Hãy trò chuyện và mỉm cười với bé khi cho bé bú.
3,5, Dứt em bé ra khỏi đầu vú
Bạn hãy để cho bé bú một bên vú bao lâu tùy bé, sao cho cạn hết bên đó – vú của bạ sẽ trông nhỏ đi, và cảm thấy nhẹ khi không còn chút sữa nào. Bé hãy ngừng lại trong một cữ bú và chỉ bú một lát thôi. Sau nhiều phút mà không thấy bé bú ra được tí sữa nào, bạn hãy dứt bé khỏi bầu vú để cho bé nghỉ xả hơi. Bạc chớ kéo đầu vú ra, như vậy sẽ làm bạn rất đau và bé cũng giật mình. Hãy luồn một ngón tay của bạn vào giữa hai hàm của bé để hãm động tác lại.
Sau đó, hãy luồn một tấm vải sạch vào trong áo ngực ở bên vú mà em bé đã bú cạn. Vào cữ bú sau hãy đặt cho bé vào bên vú kia, sao cho cả hai bên vú được kích thích như nhau. Hãy dựng bé dậy cho bé ợ hơi.
3.6. Chuyển bé sang vú bên kia
Sau khi em bé đã ợ được một đến hai lần và có lẽ đã ngủ được một giấc ngắn, bạn hãy đưa bé sang bên vú còn lại cho bé bú. Có thể là bé đủ dói để bú cạn bầu vú này, hoặc có thể bé chỉ mút để được thoải mái – một điều cũng cần thiết chẳng kém gì sữa.
Khi em bé của bạn đã bú đủ, chẳng mấy chốc, bé sẽ lăn ra ngủ trong vòng tay bạn và để núm vú của bạn tuột ra khỏi miệng. Bạn đừng lo bé không bú đủ, hãy tin vào bé, vì bé tự biết mình muốn và cần bú bao nhiêu vào bất cứ lúc nào.
Lưu ý: Bạn đừng quá lo nếu thời gian bú của con ngắn hơn bình thường.Tùy thuộc vào bầu ngực của mỗi mẹ sẽ tạo ra khối lượng sữa khác nhau, bé có thể nhận được tất cả các chất dinh dưỡng chỉ trong vòng vài phút khi bú. Miễn sao mẹ đảm bảo việc cho con bú đúng cách cũng như không bỏ qua cữ bú nào.
4. Một số lưu ý khi cho con bú
- Mẹ có biết, trong vài giờ đầu sau sinh, mẹ sẽ có một lượng sữa non, và lượng sữa này của mẹ rất quý giá, có thể giúp trẻ miễn dịch hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Vì thế, mẹ nên cố gắng tận dụng nguồn sữa này cho con bú nhé.
- Nếu bé không tuân theo cữ bú tiêu chuẩn theo khuyến cáo, thì mẹ có thể dựa vào nhu cầu của bé để cho bú. Mẹ đừng ép bé bú liên tục sẽ làm nảy sinh tâm lý sợ hãi khiến bé bỏ bú.
- Khi bú mẹ, trong khoảng hai tuần đầu bé có thể bị sút cân sinh lý do chưa kịp thích nghi với môi trường bên ngoài. Trung bình trẻ có thể giảm từ 140-200g và sau khoảng 10 – 12 ngày thì trở lại nhịp tăng trọng bình thường. Nên mẹ đừng quá lo lắng khi con bị sút cân trong khoảng thời gian này nhé.
- Trong những ngày đầu sau sinh, nếu quan sát mẹ có thể thấy tã trẻ chỉ hơi ẩm. Nhưng sau đó chỉ ít hôm, tã của trẻ sẽ ướt nhiều hơn khi đã bú được nhiều. Lúc này, mỗi ngày mẹ có thể phải thay 8 -10 chiếc tã để đảm bảo da bé luôn khô thoáng và không bị hăm.
- Để tăng chất lượng sữa, cung cấp đầy đủ các dưỡng chất cho em bé mới sinh của bạn phát triển toàn diện đồng thời tăng cường sức khỏe cho bà mẹ, mẹ cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng cân bằng, luôn đầy đủ các nhóm thực phẩm: tinh bột, protein, chất béo, vitamin và khoáng chất đặc biệt uống nhiều nước mỗi ngày.
- Trạng thái tâm lý và phản xạ tiết sữa có quan hệ mật thiết với nhau. Khi bạn xấu hổ, giận dữ, kiệt sức hoặc lo lắng sẽ làm hạn chế sự tiết sữa. Những phút như vậy bạn hãy dành vài phút nựng nịu bé, việc này sẽ giúp hai mẹ con cùng thư giãn và sự tiết sữa trở lại bình thường để bé có đủ sữa bú.
- Trong những tuần đầu, hai bầu vú của bạn có thể bị rỉ ra rất nhiều sữa giữa các cữ bú. Hãy dùng một tấm vải sạch (hoặc khăn xô của bé) để thấm lượng sữa rỉ ra và nên thay tấm vải thường xuyên để không tạo diều kiện cho vi khuẩn phát triển.
Cho con bú là một trải nghiệm tuyệt vời mà bất kỳ phụ nữ nào sau khi sinh cũng đều trải qua nhưng không phải ai cũng biết cách làm thế nào cho đúng. Hy vọng, qua bài viết hướng dẫn cho con bú đúng cách trên sẽ giúp mẹ có thêm kiến thức chăm sóc thiên thần nhỏ của mình.
700 views