Từ xa xưa ông cha ta đã có câu “Nét chữ nết người” để khẳng định tầm quan trọng của việc rèn nét chữ trong việc hình thành nhân cách con người trong xã hội. Rất nhiều bậc phụ huynh vì mong muốn cho con mình viết chữ đẹp đã cho con theo luyện chữ tại các trung tâm nhưng kết quả cải thiện không đáng kể. Vậy làm thế nào để giúp con mình có được những nét chữ ngay ngắn, đẹp đẽ ngay từ những năm đầu đời? Bài viết dưới đây sẽ tháo gỡ những băn khoăn cũng như chỉ ra các giải pháp cực hiệu quả trong việc luyện chữ cho các bé.
1. Lựa chọn độ tuổi thích hợp để bắt đầu luyện chữ
Nên cho trẻ bắt đầu làm quen với việc viết chữ khi chuẩn bị bước vào lớp 1, ở 5 tuổi. Đây là độ tuổi thích hợp đặt nền móng cho các bé tập làm quen với các chữ. Nhiều cha mẹ nôn nóng cho con tập viết khi mới 3, 4 tuổi. Điều này tưởng chừng như vô hại nhưng thực ra không phải vậy. Ở 3, 4 tuổi, tay trẻ còn yếu, nhanh mỏi, độ tập trung cũng chưa cao nên chữ viết sẽ không bao giờ đẹp. Hai độ tuổi này chỉ thích hợp cho việc làm quen với đọc các con chữ, con số, tư duy về màu sắc, hình khối.
2. Chọn cây bút viết
Chúng tôi khuyên bạn ban đầu nên cho bé dùng bút chì. Tùy theo cách cầm bút và thói quen của trẻ mà ta có thể lựa chọn bút chì gỗ, bút chì khúc, bút chì bấm…Tuy nhiên, tốt hơn cả bạn nên cho con sử dụng bút chì gỗ cho những nét chữ đầu.
Bút chì gỗ có 2 ký hiệu chính là B và HB với những đặc tính như sau:
+ B ( ký hiệu B,1B, 2B, 3B…) càng nhiều B bút càng mềm, viết mềm tay nhưng hay lem nhưng dễ bị gẫy khi đánh rơi thích hợp cho những bé có tính cẩn thận, tỉ mỉ.
+ HB càng nhiều HB thì bút càng cứng, dễ lại dấu trên tập vở và khó bôi xóa, tránh chuốt quá nhọn phù hợp với những bé có thói quen ấn mạnh tay và hạn chế lem ra vở.
Khi trẻ bước vào kì 2 của lớp 1 sẽ bắt đầu được làm quen với bút máy. Tuyệt đối không nên chọn loại bút quá to và nặng vì sẽ ảnh hưởng đến tốc độ viết của bé và nhanh mỏi tay. Ngoài ra cũng không nên dùng loại bút trơn, có độ bám kém, khi viết lâu dễ ra mồ hôi tay và bị trơn. Cha mẹ có thể cho con đi mua bút cùng để con cầm thử viết khoảng 5 phút là một ý tưởng khá hay.
3. Chọn vở viết
Ban đầu nên chọn mua các loại vở viết mẫu có bán sẵn. Thông thường, khi trẻ mới vào lớp 1 sẽ viết vở 5 ô ly, lớp 2 đến lớp 5 sẽ viết vở 4 ô ly.
- Nên chọn các loại vở có gáy bền và tiện dụng sẽ giữ được vở bền và có độ tì thích hợp khi con viết.
- Nên chọn loại vở có độ trắng thích hợp: phụ huynh có thể tham khảo bìa sau của vở, các loại giấy có chứng nhận độ trắng tự nhiên, chống lóa mỏi mắt. Vở trắng quá cũng dễ gây cho trẻ lóa mắt và cận thị trong thời gian sử dụng dài.
- Nên chọn loại vở có khoảng cách giữa các ô ly là 2mm.
4. Hướng dẫn con tư thế ngồi viết chuẩn
Đây là khâu cực kì quan trọng, tạo thói quen ngồi học cho đến suốt cuộc đời. Nếu ngồi không đúng, trước hết chữ con không đẹp, sau đó là việc ảnh hưởng đến cong vẹo và các bệnh khác liên quan tới cột sống.
Tư thế ngồi viết chuẩn đó là:
- Lưng thẳng vuông góc với ghế ngồi, vai thả lỏng.
- Đầu hơi cúi, hướng thẳng xuống trang giấy.
- Mắt cách xa giấy khoảng 30 cm.
- Không ngồi chỗ thiếu ánh sáng hoặc có ánh sáng chiếu thẳng vào mắt.
- Hai chân để thoải mái, không co không duỗi.
4. Dạy trẻ cầm bút đúng chuẩn ngay từ đầu
Cha mẹ làm mẫu trước cho con, sau đó cho con tập cầm bút.
Nguyên tắc cầm bút như sau:
- Sử dụng ngón cái và ngón trỏ giữ 2 bên thân bút, ngón giữa đỡ lấy bút.
- Lòng bàn tay và cánh tay nằm trên một đường thẳng.
- Khoảng cách giữa các đầu ngón tay và ngòi bút là 2,5cm.
- Dùng mép bàn tay làm điểm tựa của cánh tay phải khi viết.
- Cầm bút nghiêng một góc 45 độ về bên phải.
- Tay trái đè lên vở.
5. Bắt đầu viết chữ
Để dễ dàng cho việc tập viết chữ, trước đó cha mẹ cho trẻ tập dạm các chữ đã có sẵn trong vở luyện chữ sau đó mới cho bé tập viết trên giấy trắng.
Khi viết chữ cần tuân thủ các nguyên tắc:
- Điều chỉnh lực cầm bút: Cho bé viết thử một chữ ở vở nháp. Nếu thấy nét chữ còn mờ nghĩa là bé sử dụng chưa đủ lực, cần viết mạnh hơn chút nữa. Ngược lại nếu nét vẽ đậm, cứng và có khi rách giấy hoặc in chữ sang mặt kia trang giấy nghĩa là bé sử dụng lực quá mạnh, cần cầm bút viết nhẹ hơn.
- Di chuyển khi viết chữ: Hai ngón tay út và áp út khép lại, làm trụ. Ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa phụ trách phần di chuyển khi viết chữ.
- Rèn chắc các nét cơ bản nhất rồi mới rèn chữ: nét đứng (cao 2 ly, 4 ly), nét cong (cong trái, cong phải, cong kín), nét xiên, nét móc. Tuyệt đối không được nóng vội đang rèn nét này nhảy sang rèn đồng thời cả nét khác. Hãy nhớ để con thuần thục từng nét một. Sau khi hoàn thiện các nét, cha mẹ cho con ghép các nét lại viết thành các chữ.
6. Thời gian tập viết
Ở các độ tuổi này khả năng ngồi học lâu của các bé chưa nhiều. Do vậy thời gian cho các bé luyện chữ cần hợp lí. Tùy vào mỗi trẻ mà thời gian này có thể khác nhau, trung bình nên cho trẻ luyện từ 30 tới 40 phút một lần ở các lần luyện viết sau và tầm 10 tới 15 phút cho lần luyện đầu. Mỗi ngày nên cho trẻ luyện 2 lần đều đặn sáng và chiều hoặc sáng và tối. Buổi sáng thường cha mẹ đi làm nên con sẽ tự luyện, buổi tối cha mẹ sẽ kiểm tra và rèn lại các lỗi chưa chuẩn của con. Việc tạo giờ giấc sẽ hình thành nếp học cho trẻ. Cha mẹ không nên mất kiên nhẫn cáu gắt hay tạo áp lực với trẻ, làm trẻ thấy thiếu tự tin vào khả năng của mình. Lưu ý cho trẻ nghỉ tay một vài phút tại chỗ hoặc đi lại nếu trẻ thấy mỏi và khen kịp thời sự tiến bộ của con.
Trên đây là những mẹo hay giúp các bậc cha mẹ có thể tự luyện chữ đẹp cho con tại nhà. Hi vọng qua bài viết, chúng tôi đã góp phần vào việc ươm mầm nhân cách các chủ nhân tương lai của đất nước.
1180 views