Sinh con là một trải nghiệm không thể quên trong cuộc đời của những ai được làm mẹ: lo lắng và hồi hộp, mong đợi và ngóng trông, đau đớn và hạnh phúc… Bao nhiêu cung bậc cảm xúc cùng lúc tìm về khi mẹ chuẩn bị vào phòng sinh, để rồi khi nghe tiếng con khóc chào đời, biết bao nhiêu người mẹ đã không thể ngăn những dòng nước mắt. Dòng nước mắt hạnh phúc vì được gặp mặt con yêu cũng sẽ dễ được nối tiếp bởi những giọt nước mắt hoang mang, lo lắng bởi sau sinh, đặc biệt là sinh mổ, rất nhiều người mẹ không có hoặc ít sữa cho con bú. Nghe tiếng con ngằn ngặt khóc vì đói sữa, dù có mạnh mẽ đến mấy, mẹ cũng không thể cầm lòng… Bài viết này sẽ giúp các bạn đang và sắp làm mẹ, nhất là những bạn chắc chắn phải sinh em bé bằng phương pháp mổ tìm hiểu nguyên nhân mẹ bị ít sữa và cả mách mẹ những món ăn để mẹ nhiều sữa, giúp mẹ xua tan nỗi lo này nhé!

Sữa mẹ là tốt nhất cho trẻ
Sữa mẹ là tốt nhất cho trẻ

Vì sao sau sinh mổ mẹ thường mất sữa hoặc ít sữa?

Có rất nhiều lí do mẹ phải sinh mổ, thay vì sinh thường. Có những mẹ chủ động chọn sinh mổ ngay từ đầu, mặc dù thai không có vấn đề gì, không có chỉ định của bác sĩ. Có những trường hợp do em bé quá lớn, trên 4kg chẳng hạn, bác sĩ sản khoa cũng sẽ đề xuất sinh mổ. Nhiều mẹ được yêu cầu sinh mổ sau khi đã đi được gần hết chặng đường sinh thường, vì trong quá trình mẹ cố gắng để em bé chui ra, em bé lại có những biểu hiện không tốt (như nhịp tim chậm lại chẳng hạn, đây là trải nghiệm thực tế của người viết bài), thế là mẹ được đưa vào phòng phẫu thuật. Cũng có khi, sức khỏe mẹ quá yếu, sinh mổ cũng được lựa chọn để vẹn toàn cho cả hai mẹ con. Chung quy lại, dù chủ động hay bị động chọn sinh mổ, mẹ đều cùng phải đối mặt với khả năng ít sữa, mất sữa sau mổ. Vậy, vì sao mẹ sinh mổ lại thường gặp phải vấn đề này? Một số nguyên nhân chính là đây mẹ nhé:

  • Do ảnh hưởng từ thuốc tê/thuốc mê

Khi vào phòng phẫu thuật, bác sĩ sẽ gây tê tủy sống cho mẹ trước khi tiến hành mổ lấy con. Một mũi tiêm chích vào đốt sống, và chỉ khoảng 30 giây sau mẹ sẽ có cảm giác tê cứng, lanh buốt bắt đầu từ 10 đầu ngón chân rồi nhanh chóng lan dần lên trên. Trong tình trạng không thể cử động phần thân dưới, mẹ sẽ vẫn nghe thấy, nhìn thấy mọi diễn biến của cuộc phẫu thuật, từ việc bác sĩ dùng dao mổ rạch trên bụng đến lúc bé yêu được bác sĩ đưa ra ngoài và cất tiếng khóc chào đời… Sau khi phẫu thuật xong, thuốc còn có tác dụng khoảng 3-4h đồng hồ nữa. Một số trường hợp bác sĩ phải gây mê. Chính vì sự ảnh hưởng của thuốc tê, thuốc mê mà nhiều mẹ bị ít sữa hay thậm chí mất sữa sau đó.

  • Do ảnh hưởng từ thuốc kháng sinh

Sau sinh mổ, mẹ và bé thường nằm lại bệnh viện 7- 8 ngày (tùy theo mổ lần đầu hay lần 2). Trong suốt thời gian đó, mỗi ngày, mẹ được tiêm thuốc 3 lần đều đặn sáng, chiều, tối. Có hôm mẹ được “khuyến mãi” thêm 1 mũi nữa! Những mũi tiêm này là kháng sinh giúp vết thương không bị nhiễm trùng, chóng lành. Nhưng cũng mang lại tác dụng phụ ở nhiều mẹ là việc mẹ bị ít sữa, có mẹ còn mất sữa, không thể cho bé bú.

  • Do không thể cho bé bú ngay

Nếu mẹ sinh thường, ngay khi bé lọt lòng, bác sĩ sẽ cho bé da áp da mẹ và tập cho bé bú ngay. Nhưng với mẹ sinh mổ, sau khi đưa bé ra, nữ hộ sinh sẽ lau rửa, cắt dây rốn, tiêm mũi uốn ván rồi mặc áo, quấn chăn tã, cân bé rồi mang ra ngoài cho người nhà bế, ủ ấm (quy trình này chính người viết chứng kiến ở hai lần sinh mổ em bé đấy các mẹ nhé!). Mẹ vẫn sẽ tiếp tục ở lại phòng mổ để bác sĩ vệ sinh khoang bụng, khâu vết mổ… Khoảng 1-2 giờ đồng hồ sau, mẹ mới được đưa ra khỏi phòng mổ, về phòng hậu phẫu, hồi sức tích cực để gặp con yêu. Vì không cho bé bú ngay sau khi sinh nên tuyến sữa không được kích thích, dẫn đến tình trạng nói trên.

  • Do ảnh hưởng từ vết mổ

Vết mổ trên dụng mẹ dài gần 20cm, được khâu tận 4 lớp. Sau khi mổ khoảng 3 – 4 giờ đồng hồ, mẹ sẽ cảm nhận rất rõ rệt sự đau đớn do vết mổ gây ra do lúc này, tác dụng của thuốc tê đã hết. Sự đau đớn đó khiến mẹ thật khó khăn để cho con bú đúng lúc, đúng cách để tuyến sữa hoạt động tốt. Ngay cả những ngày sau, mẹ cũng sẽ gặp khó khăn khi xoay trở người, khi vận động và sinh hoạt vì vết mổ vẫn còn đau.

  • Do chế độ ăn uống sau mổ

Không biết ở các bệnh viện khác như thế nào, nhưng ở bệnh viện đa khoa huyện của người viết bài, sau khi mổ xong, bác sĩ bảo không được ăn uống gì cả, khát quá thì cho uống nước lọc, nhưng chỉ thấm thấm vào môi, không được uống nhiều. Đến ngày thứ 2, bác sĩ nói nếu đã đánh rắm được thì mới cho uống sữa. Sang ngày thứ 3 mới cho ăn nhưng là ăn nước cháo, rất loãng, kiểu như uống canh vậy. Ngày thứ 4 mới cho ăn cháo thường. Mẹ thử nghĩ, sinh mổ mất bao nhiêu là máu, chưa kể nhiều mẹ đã phải trải qua mấy ngày mấy đêm đau đớn vì chuyển dạ, chẳng ăn uống ngủ nghỉ gì, mà sau khi mổ lại phải bụng rỗng mấy hôm liền như thế, mấy ai có thể đủ sữa cho con, nói gì đến nhiều sữa?

Sau khi xuất viện, về nhà, chế độ ăn uống của chúng ta có thể cũng là nguyên nhân gây ít sữa. Các mẹ đều biết rằng trong thời kì mang thai và cho con bú, việc mẹ ăn gì uống gì đều phải rất để ý, bởi nó ảnh hưởng tới sức khỏe bé yêu. Nếu chế độ ăn uống sau sinh không hợp lí, ví dụ như mẹ có thể quá kiêng khem vì sợ mập, hoặc mẹ ăn bất cứ món gì, không chú ý tới tác dụng phụ làm mất sữa của một số món ăn,… thì việc mất sữa hay ít sữa cũng thường xảy ra.

  • Do bị stress, lo lắng, căng thẳng trước và sau sinh
  • Stress sau sinh khá phổ biến
    Stress sau sinh khá phổ biến

Gần đây, các phương tiện truyền thông nói nhiều về chứng trầm cảm sau sinh. Những đau đớn mẹ phải chịu đựng là cú sốc khiến nhiều người không thể vượt qua được. Nhiều mẹ không đến mức bị trầm cảm nhưng cũng rất lo lắng, căng thẳng bởi đây là một trải nghiệm quá đặc biệt. Điều này cũng ảnh hưởng không tốt đến sự tiết sữa, gây ra ít sữa ở mẹ sau sinh mổ.

Cần phát hiện càng sớm càng tốt tình trạng ít sữa ở mẹ sau khi sinh mổ

Mẹ và người nhà cần chú ý để phát hiện càng sớm càng tốt tình trạng ít sữa, vì nếu chủ quan, để kéo dài quá lâu, mẹ có thể mất dần sữa. Đến lúc này mới cuống lên tìm cách chữa mất sữa thì e là đã quá muộn màng rồi.

Vậy làm thế nào để có thể nhận biết sớm mẹ bị ít sữa sau sinh mổ? Dưới đây là một vài biểu hiện giúp nhận biết sớm tính trạng ít sữa mà mẹ và người nhà nên biết:

– Bầu vú của mẹ thay đổi rất ít hoặc không thay đổi sau 3 ngày sinh con: Từ lần đầu tiên con ngậm ti, cơ thể mẹ đã nhận biết được và sẽ tiết sữa ra ngày một nhiều hơn. Nếu 3 ngày sau khi sinh mổ mà mà sữa vẫn không về nhiều, bầu ngực vẫn không lớn hơn, sờ thấy nhão, không căng thì rất có thể là mẹ bị ít sữa cho con bú rồi đấy.

– Em bé chỉ bú dưới 5 phút thì nhả, bụng không no, hay quấy khóc: Thường thì trẻ sơ sinh thường bú rất chậm do chưa biết cách bú, thế nên thời gian bé bú mỗi lần khá lâu và chỉ nhả ra khi bé thấy no. Nếu bé nhà bạn chỉ bú khoảng 5 phút thì nhả, bụng bé không no và còn quấy khóc, thì mẹ nên nghĩ đến nguyên nhân là do mẹ bị thiếu sữa, bé bú không thấy sữa nên mới ngừng.

– Dù mẹ có cố nặn cũng không ra sữa: Nhiều mẹ dùng cách lấy tay nặn hoặc hút sữa để kích thích sữa về,  nhưng lượng sữa tiết ra vẫn không nhiều hơn. Đây chính là triệu chứng ít sữa đấy mẹ ạ.

– Bé chỉ đi tiểu dưới 6 lần/ngày: Thành phần chủ yếu trong sữa mẹ là nước. Khi bé bú đủ bé  sẽ đi tiểu rất nhiều lần trong ngày. Nếu mẹ  thấy bé của mẹ đi tiểu quá ít thì mẹ hãy chú ý  một chút đến lượng sữa của mình, rất có thể mẹ bị ít sữa, thiếu sữa rồi.

Mẹ sau sinh ăn gì để có nhiều sữa?

Ngoài chế độ nghỉ ngơi, luyện tập hợp lí để tránh căng thẳng, mệt mỏi, các món ăn sau sẽ giúp mẹ sau sinh mổ nhanh chóng gọi sữa về, giúp sữa nhiều hơn cho bé no nê bú nhé!

Sau khi mổ, nếu đã được bác sĩ cho phép,  mẹ nên ăn các món canh rau (canh rau ngót, canh rau lang)  hoặc cháo loãng để tránh khó tiêu. Khi ăn, mẹ nên ăn nhiều bữa, mỗi bữa từng lượng nhỏ, vì ăn no sẽ làm vết mổ căng ra rất đau, đường ruột cũng không tiêu hóa kịp.

Khi đã trở lại với chế độ ăn uống bình thường,có thể thay đổi thực đơn bằng các loại thức ăn giúp  nhiều sữa cho con bú và an toàn với mẹ sinh mổ. Đó là:

– Nước và sữa: Cả nước và sữa đều cung cấp nước cho cơ thể người mẹ sau sinh mổ, giúp mẹ phòng tránh bệnh viêm đường tiết niệu. Riêng với sữa, ngoài tác dụng trên thì còn giúp sữa mẹ nhiều hơn, đặc và thơm hơn. Một người mẹ sau sinh mổ nên uống ít nhất 1 ly sữa ấm và 2 lít nước lọc mỗi ngày. Kinh nghiệm của mình là uống 1 hộp sữa Ensure pha sẵn buổi sáng, buổi tối thì thêm 1 li sữa Ông Thọ pha ấm nữa.

– Các loại thịt:

Thịt tốt cho sức khỏe mẹ sau sinh
Thịt tốt cho sức khỏe mẹ sau sinh

Các loại thịt là thực phẩm chứa nhiều chất đạm, sắt, chất béo và protein , rất có lợi cho cơ thể của phụ nữ sau khi sinh mổ, đặc biệt là thịt lợn, thịt bò. Các loại thịt này cung cấp lượng sắt nhanh chóng bù lại lượng máu đã mất của mẹ sau khí sinh mổ. Chúng cũng sẽ đẩy nhanh quá trình lành vết thương khi mổ. Điều quan trọng là nó sẽ cung cấp một lượng chất dinh dưỡng tốt nhất, có lợi cho sữa của mẹ. Sử dụng thịt nạc chế biến thành nhiều món ăn cho mẹ ăn ngon miệng cũng là cách gọi sữa về rất hiệu quả, hơn nữa chất lượng sữa mẹ cũng tốt hơn.

 Các loại rau xanh, nhất là rau lang và rau ngót:

Rau khoai lang tốt cho mẹ sau sinh
Rau khoai lang tốt cho mẹ sau sinh

Rau cung cấp vitamin và chất xơ giúp mẹ tiêu hóa dễ hơn, hạn chế tình trạng táo bón –  thường là nỗi ám ảnh của mẹ sinh mổ.

– Quả sung: Nhiều người lầm tưởng vị chát của sung gây táo bón  nhưng thực chất thì ngược lại: sung có tác dụng nhuận tràng, lại vừa kích sữa về nhiều hơn.

– Móng giò hầm: Là món ăn được xem là giúp tăng lượng sữa ở mẹ nhiều nhất. Móng giò chứa nhiều chất dinh dưỡng giúp mẹ phục hồi nhanh hơn và kích sữa về nhiều hơn. Tuy nhiên, mẹ chỉ nên ăn ở mức vừa phải, đừng ăn quá nhiều gây ngán, hơn nữa lại tích mỡ thừa, khiến mẹ phải đau đầu vì giảm cân sau sinh nữa!

– Hải sản: Rất giàu canxi, gọi sữa về nhiều và thơm ngon hơn. Nhưng nếu mẹ bị dị ứng hải sản thì không được sử dụng nhóm thực phẩm này.

Hoa quả: Giàu vitamin và dưỡng chất, giúp mẹ có được một làn da mềm mịn và những dòng sữa sóng sánh hơn, hỗ trợ tiêu hóa cho mẹ.

Nếu mẹ muốn nhiều sữa nhưng sợ tăng cân?

Trường hợp này, mẹ hãy tham khảo các thức ăn và đồ uống sau đây:

– Chè lá vằng: Sử dụng chè vằng pha với 1 – 2 lít nước nóng mỗi ngày sẽ giúp mẹ vừa nhiều sữa cho con bú, vừa có vóc dáng thon gọn, đặc biệt nhất là đốt cháy mỡ thừa ở vùng bụng sau sinh.

– Các loại trái cây ít ngọt: Cam quýt, bưởi,.. là những loại quả hợp nhất với mục đích giảm cân của mẹ sau sinh.

– Rau xanh: Các loại rau, đặc biệt là rau có màu xanh đậm đều gọi sữa về nhiều nhưng không làm mẹ tăng cân. Vì vậy mẹ hãy cố gắng ăn thật nhiều rau sau khi sinh bé, tuy nhiên không được dùng rau thay thế cơm, thịt.

– Củ khoai lang: Khoai lang hấp hoặc luộc phù hợp cho thực đơn giảm cân cho mẹ. Trong củ khoai lang chứa hàm lượng tinh bột đủ đảm bảo mẹ có nhiều sữa cho con bú, nhưng nó không chứa chất béo và cholesterol nên khi ăn vào sẽ không lo bị tăng cân. Tốt nhất, mẹ nên ăn khoai lang vào buổi trưa, thay vì ăn 1 bát cơm.

– Rong biển: Rong biển cực kì tốt cho hệ tiêu hóa, hỗ trợ thải độc, làm giảm cholesterol, đồng thời ngăn chặn hấp thu chất béo. Nếu mẹ vừa muốn nhiều sữa, vừa muốn giảm cân, hãy biến tấu thực đơn với các món từ rong biển (canh rong biển, cơm cuộn rong biển,…)

Những món ăn mẹ sinh mổ không nên ăn

Khi sinh mổ, mẹ phải trải qua một cuộc phẫu thuật kéo dài từ 1 đến 1 giờ rưỡi đồng hồ. Sau đó, mẹ mất khoảng 1 tuần để vết mổ khô lại, 2  đến 3 tuần để tạo thành sẹo, 3 tháng để vết mổ lành hẳn. Do vậy, trong suốt vài tháng sau sinh, ngoài việc quan tâm ăn gì để nhiều sữa, mẹ còn phải chú ý đến những thức ăn dù nhiều sữa nhưng mẹ lại không được ăn. Đó là các món đồ nếp, rau muống và thịt chó. Vì sao vậy? Lí do là đây:

– Đồ nếp, đặc biệt là món xôi – là thức ăn nhiều sữa, tuy nhiên nó lại chống chỉ định với mẹ sinh mổ, vì đồ nếp tính nóng, khi ăn vào sẽ làm vết mổ bị sưng hoặc mưng mủ, khó lành. Thậm chí sau khi lành, vết thương này còn để lại sẹo lồi rất là mất thẩm mỹ.

– Rau muống: Có tính mát, nhuận tràng, tốt cho phụ nữ sinh thường, nhưng với mẹ sinh mổ thì không. Nguyên nhân là vì rau muống sẽ làm đầy vết thương của mẹ, tạo ra sẹo lồi.

– Thịt chó: Cũng là món rất giàu chất đạm, nhưng có tính nóng, sẽ làm chậm quá trình tái tạo da. Hơn nữa, chó là bạn, không phải để ăn thịt, nên dù trong trường hợp nào cũng không nên ăn, mẹ nhỉ?

Ngoài ra, các mẹ cũng lưu ý tới những món ăn mà bất kì mẹ nào sau sinh cũng cần tránh. Điểm danh đó là những món nào nhé!

– Món ăn tẩm ướp nhiều gia vị như ớt, tỏi. Ớt là gia vị không thể thiếu trong bữa ăn của người Việt. Ớt cũng có nhiều ích lợi như có thể chống bệnh tiểu đường, chống ung thư dạ dày, giảm đau,… Nhưng nó lại là loại đứng đầu danh sách mẹ mổ đẻ cần tránh sau sinh, vì ớt cay gây ợ nóng, khó chịu cho cả bà mẹ và bé bú sữa mẹ. Còn về tỏi, dù có hàng trăm công dụng, nhưng nó lại cực kì kị với mẹ mới sinh mổ vì tỏi có thể kích ứng dạ dày, gây táo bón và cản trở khả năng hồi phục của bà mẹ sau mổ đẻ.

– Đồ uống có cồn và và có ga như bia, rượu, nước ngọt

Nếu trước khi cho con bú 4 giờ đồng hồ, mẹ uống 1 ly bia, rượu hoặc nước ngọt có ga, lượng sữa tiết ra sẽ bị giảm 20% so với bình thường. Khi bé khi bú phải sữa mẹ có chứa cồn và ga, bé  cũng sẽ phải chịu những ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe, điển hình là sự phát triển các kỹ năng vận động  sẽ chậm hơn trẻ khác.

Một số kinh nghiệm cũng cho thấy rằng uống bia có thể làm tăng lượng prolactin – hormone tiết sữa. Nhưng thực sự điều này chưa được khoa học kiểm chứng, ngược lại, có các nghiên cứu còn khuyên người mẹ trong mang thai và cho con bú nên tránh xa các loại thức uống này.

– Thực phẩm chứa cafein như sô cô la, cà phê, nước trà xanh

Thực tế là cafein có trong cà phê, sô cô la và lá trà xanh, dù chỉ một lượng nhỏ cũng sẽ đi vào sữa mẹ. Bé bú phải sữa có cafein, hệ tiêu hóa của trẻ không thể tự phân hủy và đào thải chúng, mà sẽ tích tụ trong cơ thể, khiến trẻ cảm giác bứt rứt, khó ngủ, hay quấy khóc. Ngoài ra, cafein cũng có thể khiến người mẹ mất ngủ, đau đầu, khó tiêu, do đó sẽ ảnh hưởng đến khả năng tiết sữa. Sự mất cân bằng này nếu kéo dài  sẽ làm mẹ bị mất sữa tạm thời hoặc vĩnh viễn. Bởi vậy, khi nhắc đến các thực phẩm dễ gây mất sữa sau sinh, không thể không nhắc đến cafein.

– Lá lốt: Các món ăn có sử dụng lá lốt, mẹ tuyệt đối kiêng ăn. Lá lốt chính là thực phẩm hàng đầu trong danh sách những “sát thủ” tiêu diệt sữa mẹ. Đã có rất nhiều mẹ khi nuôi con nhỏ, do không biết, vô tình ăn món ăn có lá lốt, kết quả là mẹ bị mất sữa nhanh chóng. Vì vậy, nếu đang cho con bú, mẹ cần phải “nhịn miệng” một vài món ngon chế biến từ lá lốt như ốc chuối đậu nấu lá lốt, chả lá lốt, hay bò cuốn lá lốt…để đảm bảo nguồn sữa cho con không bị cắt mẹ nhé!

– Măng: Đây là món ăn quen thuộc mà rất nhiều người Việt Nam ưa thích. Tuy nhiên, măng  rất độc hại, trung bình mỗi một kg măng chứa một lượng độc tố HCN đủ để gây tử vong tức thì cho hai đưa trẻ nhỏ. Dù độc tố HCN có thể dễ dàng hòa tan trong nước và bay hơi trong nước sôi, tuy nhiên, với mẹ đang cho con bú thì phải nên đề phòng vì không những độc hại, việc ăn nhiều măng cũng có thể làm giảm tiết sữa của cơ thể mẹ.

– Bắp cải: Mẹ có từng biết về vì khả năng giảm bớt căng vú chưa? Trong dân gian vẫn truyền nhau mẹo đắp lá bắp cải lên ngực nếu bị tắc tia sữa, có thể giúp thông sữa, giảm đau. Tuy nhiên, mẹ cũng không nên lạm dụng bắp cải. Nếu lạm dụng, bắp cải có thể làm giảm lượng sữa của mẹ.

– Bạc hà : Bạc hà và cả tinh dầu bạc hà có thể ảnh hưởng xấu đến nguồn sữa. Nếu mẹ uống một cốc trà từ lá bạc hà thường xuyên, điều đó không phải là một vấn đề quá nghiêm trọng. Mẹ phải uống một lượng rất lớn trà bạc hà mỗi ngày, khoảng 1 lít thì mới có thể giảm lượng sữa tiết ra. Nhưng với các loại siro và bánh kẹo được làm từ tinh dầu bạc hà lại là  khác hẳn. Một nghiên cứu  đã cho thấy những bà mẹ ăn nhiều kẹo bạc hà mỗi ngày  thì có sự sụt giảm rõ rệt trong lượng sữa hút được.

– Lá oregano: Đây là một loại lá dùng khi chế biến món ăn Italy như pizza hay paste có thể tác động tiêu cực đến cơ chế sản xuất sữa của cơ thể. Tốt nhất, mẹ sau sinh không ăn đồ Ý để khỏi ảnh hưởng tới lượng sữa tiết ra.

– Rau mùi tây, nhiều nơi gọi là ngò: Đây  là một loại lá thuốc lợi tiểu, ngoài ra còn có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe. Người Việt  Nam ta có thói quen trang trí dĩa/ tô thức ăn bằng rau mùi hoặc dùng rau mùi làm rau sống để ăn kèm với các món bún ốc, rún riêu… Có thêm vài cọng ngọn rau mùi nhỏ trong món ăn sẽ không gây hại cho nguồn sữa của mẹ. Tuy nhiên, nếu như mẹ đang cho con bú và bị ít sữa, không nên ăn quá nhiều loại rau này.

– Dưa cà muối xổi: Dưa cà muối xổi là món ăn rất ngon miệng, rất tốn cơm, nhưng lại gây mất sữa. Trong dưa cà muối chứa men tiêu hóa và các vi khuẩn có lợi, vì thế  có tác dụng kich thích tiêu hóa rất tốt. Thế nhưng nó chỉ có tác dụng này khi đã được muối chín vàng, mùi thơm. Với dưa cà muối xổi, vì thời gian lên men ngắn, hàm lượng nitrit còn rất cao, nếu kết hợp với amin bậc 2 trong tôm, cá sẽ tạo thành nitrozamin, làm tăng nguy cơ ung thư. Riêng với cà muối xổi còn chứa solanin có thể gây ngộ độc.

Mặc dù chưa có nghiên cứu khoa học cụ thể về việc dưa cà muối xổi gây mất sữa, nhưng nhiều trường hợp thực tế đã cho thấy sau khi ăn dưa cà, người mẹ bị ít sữa hoặc mất sữa.

– Đồ ăn chế biến bằng cách chiên rán 

Món chiên rán không tốt cho mẹ sau sinh
Món chiên rán không tốt cho mẹ sau sinh

Không thể bỏ qua đồ chiên rán, đặc biệt là chiên rán bằng mỡ động vật. Nếu chế độ ăn uống của mẹ chứa quá nhiều chất béo thì các phân tử béo có thể đông lại, làm tắc ống dẫn sữa, dẫn đến tắc sữa và mất sữa  về sau. Không những thế, mỡ động vật còn gây áp lực lên hệ tim mạch, làm tăng cân mất kiểm soát ở những mẹ sau sinh.

–  Mì tôm: Mì tôm chứa rất nhiều hương liệu, chất phụ gia, carbohydrate và chất béo. Nếu ăn nhiều mỳ tôm, mẹ có thể bị béo phì, khó tiêu hóa nhưng lại thiếu chất dinh dưỡng cần thiết để sản xuất sữa cho con bú. Nhìn chung, mỳ tôm chứa rất nhiều chất có hại cho cơ thể, cho dù là mẹ đang cho con bú hay là người bình thường cũng nên hạn chế sử dụng đến mức thấp nhất.

Mang thai, sinh con và nuôi con là một thiên chức thiêng liêng của mẹ. Có đủ sữa cho con yêu bú sau sinh là niềm vui không gì đánh đổi đối với mẹ. Hãy chú ý đến chế độ ăn uống và nghỉ ngơi thật tốt để con yêu của mẹ luôn được no sữa, mẹ nhé!

1582 views

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *