Nên cho bé đi nhà trẻ (mầm non) khi nào là thích hợp nhất? Đây đang là vấn đề được rất nhiều gia đình các bé quan tâm và trăn trở. Mỗi gia đình tùy thuộc vào hoàn cảnh và mục đích giáo dục nên sẽ có những lựa chọn khác nhau. Tuy nhiên là cha mẹ ai cũng mong muốn bé yêu sẽ thật khỏe mạnh và phát triển tốt. Bài viết này sẽ giúp gia đình các bé có cái nhìn tổng quát và chân thực nhất để đưa ra quyết định nên cho bé đi nhà trẻ khi nào là thích hợp nhất.

Bé đi nhà trẻ,
Bé đi nhà trẻ

Nội dung:

1.Nhà trẻ (mầm non) là môi trường như thế nào ?

2. Ưu điểm và nhược điểm khi bé đi nhà trẻ.

3. Nên cho bé đi nhà trẻ (mầm non) khi nào là thích hợp nhất?

 4. Bé có thể đi học vào lúc 2 tuổi hoặc hơn.

5. Những vấn đề ba mẹ cần lưu ý khi phải gửi con trước một tuổi.   

6. Khuyến khích bé yêu đi nhà trẻ bằng cách nào?

7. Dấu hiệu nhận biết bé yêu vẫn chưa sẵn sàng đi nhà trẻ.

1. Nhà trẻ (mầm non) là môi trường như thế nào ?

bé được học thêm nhiều kĩ năng mới và nề nếp hơn khi đi nhà trẻ
bé được học thêm nhiều kĩ năng mới và nề nếp hơn khi đi nhà trẻ

Theo Wikipedia định nghĩa: “Nhà trẻ hay nhà giữ trẻ hay mẫu giáo, mầm non là một hình thức dịch vụ giáo dục cho trẻ em tại một địa điểm tập trung nhất định nơi có khuôn viên nhất định, có các cô giáo hay bảo mẫu, và thường được thiết kế với nhiều đồ chơi hay đồ vật dễ thương, âm nhạc vui tai nằm trong một quá trình chuyển đổi từ nhà để trẻ bắt đầu học một cách chính thức hơn, đây là lần đầu tiên cho một trẻ tập tễnh làm quen với đời sống xã hội, môi trường tập thể. Tại nhà trẻ, trẻ em được dạy để phát triển các kỹ năng cơ bản và kiến ​​thức thông qua trò chơi sáng tạo và tương tác xã hội giữa các nhóm bạn, cũng như bài học sơ khai đầu đời.”.

Ba mẹ có thể hiểu đơn giản rằng: nhà trẻ là ngôi nhà thân thương thứ 2 của con yêu. Ở đó con được chăm sóc dạy dỗ để con có thể phát triển toàn diện nhất về thể chất và tinh thần. Giúp con đặt những viên gạch đầu tiên trong công cuộc xây dựng lâu đài cuộc sống.

2. Ưu điểm và nhược điểm khi bé đi nhà trẻ.

Ưu điểm.

Về phía Ba mẹ bé: Ba mẹ sẽ yên tâm đi làm, được chia sẻ phần nào công việc trong vấn đề chăm sóc bé yêu.Ba mẹ cũng sẽ tiết kiệm được một khoản kha khá vì chi phí cho bé đi nhà trẻ sẽ thấp hơn so với việc thuê bảo mẫu riêng.

Dễ dàng và thuận tiện trong việc sắp xếp công việc của ba mẹ vì nhà trẻ có lịch học và thời gian biểu rất rõ ràng. Nếu ba mẹ có việc bận đột suất vào chủ nhật hay không thể đón bé đúng giờ, các nhà trẻ còn có thêm dịch vụ trông ngoài giờ.

Ba mẹ bé sẽ có cơ hội kết bạn và giao lưu với những phụ huynh khác có con cùng lứa tuổi. Có cơ hội chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm chăm sóc bé yêu.

Về phía bé yêu: Sinh hoạt hàng ngày của bé yêu sẽ sớm hình thành nề nếp. Ở nhà trẻ có thời gian biểu rất khoa học và cụ thể áp dụng riêng cho từng độ tuổi. Ba mẹ sẽ yên tâm là bé yêu đi học sẽ giờ nào việc đấy, dần dần bé sẽ hình thành được nề nếp sinh hoạt.Bé yêu sẽ được học nhiều điều thú vị bổ ích, được trải nghiệm khám phá những bài học mới. Bé có cơ hội giao lưu kết bạn phát triển thêm những mối quan hệ mới.Các cô giáo đều được đào tạo có nghiệp vụ chuyên môm nắm bắt rõ tâm lý lứa tuổi nên sẽ có phương pháp dạy dỗ phù hợp và khoa học nhất.

Nhược điểm.

Bé sẽ rất dễ bị lây bệnh từ bạn học, do môi trường sinh hoạt tập thể. Các bệnh như: cúm, đau mắt, chân tay miệng, thủy đậu,… sẽ rất dễ bị lây chéo từ bé này sang bé khác.

Bé sẽ phải chia sẻ sự quan tâm chăm sóc của cô với các bạn. Không giống như ở nhà bé được hưởng trọn vẹn sự quan tâm chăm sóc.

Chất lượng của các cơ sở mầm non cũng là vấn đề mà ba mẹ phải quan tâm. Vì hiện nay do nhu cầu gửi con đi nhà trẻ ngày càng lớn, các cơ sở tư nhân mọc lên như nấm. Bên cạnh những cơ sở uy tín có rất nhiều những nơi chưa được cấp phép, không đảm bảo an toàn, cơ sở vật chất chưa đáp ứng đúng quy định. Vậy nên hơn ai hết các bậc phụ huynh phải thật tỉnh táo lựa chọn cho bé yêu một ngôi trường uy tín chất lượng nhất nhé.

3. Nên cho bé đi nhà trẻ khi nào là thích hợp nhất?

Theo nghiên cứu và kinh nghiệm chung thì thời điểm thích hợp để đưa bé đi nhà trẻ ở nước ta hiện nay rơi vào khoảng thời gian khi bé từ 18 tháng tuổi đến 24 tháng tuổi.

bé khám phá thêm biết bao điều mới lạ từ thiên nhiên
bé khám phá thêm biết bao điều mới lạ từ thiên nhiên.

 Bé đi nhà trẻ khi được 18 tháng tuổi đến 24 tháng tuổi là phù hợp nhất.

  • Ở độ tuổi này về cơ bản bé đã tiêm phòng đầy đủ một số mũi chích ngừa cơ bản nhất như: sởi, viêm não nhật bản, mũi 5 trong một, cúm …răng của bé cũng mọc gần như đầy đủ đặc biệt là răng nanh và răng hàm, bé sẽ tránh được vấn đề ốm sốt khi tiêm phòng và mọc răng.
  • Ở độ tuổi này bé đã biết đi, có thể cùng cô và cá bạn trên lớp tham gia các hoạt động học vui chơi và sinh hoạt để phục vụ bản thân như: tập thể dục sáng, tham gia trò chơi vận động, biết bê ghế về chỗ ngồi, biết di chuyển vào nhà ăn khu vực đi vệ sinh,…cô giáo sẽ không phải bế bé nữa. 
  • Ở độ tuổi này, bé cũng đã có một số kỹ năng tự lập nhất định: bước đầu biết tự xúc ăn (dù còn rơi vãi và chưa khéo), bé biết đội mũ, đi dép, bé biết cất giầy dép balô  và đồ dùng về đúng nơi quy định.
  • Bé bắt đầu biết nói các câu đơn, biết bày tỏ nhu cầu và mong muốn của mình bằng các câu ngắn, nhờ đó có thể thông báo cho cô giáo các nhu cầu của mình. Như nhu cầu đi vệ sinh, bé muốn ăn muốn uống nước, muốn tham gia trò chơi,..Bé cũng ít nhiều bày tỏ được cảm xúc của mình với bố mẹ về giáo viên hay việc đi học.
  • Biết theo các chỉ dẫn đơn giản của người lớn để có thể tham gia vào các hoạt động ở lớp theo tổ chức của cô giáo.Ở độ tuổi này nhu cầu khám phá và học hỏi của bé cũng vô cùng lớn, vậy nên bé rất thích khám phá những điều mới lạ, bé cũng nghi nhớ rất nhanh. Nhiều bé trong giai đoạn này có sự phát triển rất nhanh về ngôn ngữ, vận động vậy nên nếu bé được đi nhà trẻ bé sẽ có cơ hội phát triển nhanh và toàn diện nhất các kĩ năng về nghe nhìn, nói, vận động, …

 4. Bé có thể đi học vào lúc 2 tuổi hoặc hơn.

bé được cô yêu thương và chỉ dạy tận tình khi đến nhà trẻ
bé được cô yêu thương và chỉ dạy tận tình khi đến nhà trẻ

– Có bố mẹ hoặc ông bà, giúp việc tốt ở nhà cùng bé

– Có không gian trong nhà an toàn, bé được khuyến khích tự do vui chơi thay vì ngăn cấm, cho phép bé leo trèo trong nhà trong tầm kiểm soát của người lớn

– Ông bà, người chăm sóc… không có thói quen xem tivi/ ipad nhiều và cho bé xem cùng, 

– Có thói quen đưa bé ra ngoài trời đi dạo và vận động, làm quen kết bạn với các bạn cùng trang lứa, tham gia những trò chơi vận động cùng các bạn anh chị, …Bé có cơ hội được tương tác với các em bé, bạn và anh chị hơn tuổi.

– Đọc sách cho bé, thường xuyên nói chuyện cùng bé, hướng dẫn bé đọc những sách truyện bằng tranh đơn giản.

– Người chăm sóc tạo điều kiện cho bé tự lập, rèn cho bé có những kĩ năng cơ bản như: tập xúc ăn, đội mũ, đi giày…

– Luôn tạo cho bé cảm giác ấm áp và an toàn, tạo môi trường thân thiện nhất cho bé khám phá và học hỏi.

5. Những vấn đề ba mẹ cần lưu ý khi phải gửi con trước một tuổi.   

Nếu phải gửi con đi học quá sớm, khoảng 6 tháng hoặc dưới 1 tuổi, hẳn bố mẹ sẽ vô cùng lo lắng về việc con mình sẽ như thế nào, cũng như áp lực trong việc tìm ra ngôi trường đáng tin cậy để gửi con.

Ở Mỹ 1,7 triệu bà mẹ cũng cùng chung nỗi lo lắng này khi phải đặt tài sản quý giá nhất của họ vào tay người khác để đi làm khi con mới 10 tuần hoặc 4-5 tháng. 57% trẻ em dưới 1 tuổi phải đến các trung tâm chăm sóc trẻ em (daycare). Các ông bố bà mẹ này lo lắng về tác động của việc này đến sự phát triển tinh thần và xã hội của con cũng như đối với mối quan hệ giữa trẻ sơ sinh và cha mẹ.

Nghiên cứu của Hiệp hội Quốc gia về Sức khỏe và sự phát triển của trẻ em Mỹ (National Institute of Child Health and Development) cho thấy nhà trẻ không đe dọa sự gắn bó giữa em bé và bố mẹ nếu như ở nhà bé được chăm sóc một cách đầy đủ và tình cảm. Phần lớn các chuyên gia đều đồng ý rằng trẻ em có thể phát triển ở nhà trẻ với các điều kiện phù hợp, bao gồm việc trẻ được người chăm sóc quan tâm và chú ý, yêu thương, giàu trải nghiệm ngôn ngữ và được vui đùa với người chăm sóc.

Tuy nhiên, việc tìm kiếm được cô giáo nhà trẻ có kinh nghiệm với độ tuổi này, yêu thương trẻ, đoán biết và hỗ trợ các nhu cầu của trẻ, thích trò chuyện và chơi đùa, khiến trẻ yêu mến và kết nối… không phải là điều dễ dàng. Bố mẹ cũng sẽ thấy lo lắng vì mình khó có thể đánh giá được giáo viên qua thời gian ngắn, và không có nhiều thời gian tương tác, ảnh hưởng, kiểm soát như việc thuê giúp việc chăm sóc con ở nhà.

Nếu bố mẹ bất đắc dĩ phải gửi con trước 1 tuổi, chắc chắn phải tìm hiểu thật kỹ và cảm thấy an tâm với trường và giáo viên chăm sóc trẻ, cũng như có thời gian làm quen dài để trẻ kết nối và cảm thấy an tâm với người chăm sóc. Vì con cái luôn là tài sản vô giá của ba mẹ, vậy nên hãy giành cho bé yêu những điều tuyệt vời nhất.

6. Khuyến khích bé yêu đi nhà trẻ bằng cách nào?

bé tự tin tham gia trò chơi vận động cùng các bạn
Bé được tham gia vui chơi cùng các bạn đồng trang lứa

Ba mẹ hãy chuẩn bị tâm lý cho bé bằng cách quan tâm tâm sự với bé nhiều hơn, kể cho bé nghe những câu chuyện về trường mầm non về cô và các bạn. Đừng lo lắng khi bé chưa tiếp thu hết được những gì ba mẹ chia sẻ, nhưng ba mẹ yên tâm bé yêu cảm nhận được phần nào câu chuyện ba mẹ tâm sự đấy.

Cho bé xem những hình ảnh liên quan đến nhà trẻ như hoạt động học, vui chơi ăn uống của các bạn, để khơi dậy trí tò mò tạo sự hứng khởi cho bé.Ba mẹ cũng nên dành thời gian hình thành giờ giấc sinh hoạt mới cho bé càng giống với giờ sinh hoạt của nhà trẻ càng tốt. Bé sẽ không bị chênh lệch múi giờ sinh hoạt khi đi học, bé sẽ dễ quen và đi vào nề nếp nhanh hơn.Khi đã chuẩn bị đầy đủ hai yếu tố liệt kê ở trên nếu ba mẹ có thời gian hãy đưa bé đi làm quen lớp.

Ba mẹ có thể tham khảo phương pháp được đề ra bởi Penny Tassoni (Nhà tư vấn về giáo dục) để giúp bé làm quen với nhà trẻ và cô giáo chính của mình như sau:

Bước 1: Để bé chơi các đồ chơi với cô giáo và mẹ ở cạnh. Sau đó mẹ bắt đầu dừng chơi và chỉ ngồi bên cạnh quan sát.

Bước 2: Để bé chơi các đồ chơi với cô giáo và mẹ ở cạnh. Sau đó mẹ dừng chơi vào bắt đầu di chuyển ra một chút nhặt cái gì đó lên ví dụ như là một cuốn tạp trí hay tờ báo.

Bước 3: Trẻ chơi với cô giáo. Mẹ đầu tiên là ở cạnh nhưng sau đó bắt đầu di chuyển ra khỏi tầm nhìn của bé, ví dụ như là lấy cái gì đó từ trong tủ.

Bước 4: Trẻ chơi với cô giáo. Mẹ đi ra khỏi phòng để lấy đồ gì đó, nhưng trước khi đi phải bảo bé mẹ chuẩn bị làm điều này và sẽ quay lại. Đi 1 phút và quay lại.

Bước 5: Giống như bước 4 nhưng mà tăng thời gian ra khỏi phòng là 20 phút. Dần dần, tăng thời gian cho tới khi trẻ có thể ở nhà trẻ cả buổi.

Lưu ý:Cần phải bình tĩnh tạm biệt bé, không được thể hiện xúc động, và nói cho bé biết là mẹ sẽ quay lại. Để cho bé cầm theo thú bông hay là đồ chơi yêu thích nào đó.Ba mẹ hãy kiên trì thực hiện cho đến khi bé yêu quen lớp nhé.

Tuy nhiên không phải gia đình nào cũng có thời gian để kiên trì làm vậy, nếu vậy ba mẹ cũng đừng quá lo lắng. Hãy tin tưởng và giao bé cho cô giáo ngay từ buổi học đầu tiên. Cô sẽ có phương pháp giúp bé hòa nhập tốt nhất.

Theo kinh nghiệm của mình có được khi làm việc trong nghề mình thấy rằng tùy vào tính cách và khả năng thích nghi riêng của từng bé. Có nhiều bé đi nhà trẻ là đi luôn không mất thời gian làm quen nhưng bù lại thích nghi rất nhanh. Nhanh quen cô quen bạn, hòa đồng ăn uống sinh hoạt rất tốt. Những bé như vậy chỉ mất một tuần là ba mẹ có thể hoàn toàn yên tâm. Nhưng cũng có trường hợp gia đình cho đi làm quen dần và bé cũng thích nghi dần dần, mất một thời gian rồi bé cũng rất ngoan.

Số ít có bé rất khó, cho dù ba mẹ cho đi làm quen lớp trước mà đi học bé vẫn khóc, rất khó quen lớp, những bé như vậy phải mất cả tháng trời bé mới ngoan được.

Vậy cho nên ba mẹ hay kiên trì, đừng lo lắng quá, cũng đừng đem bé nhà mình ra so sánh với con nhà người ta, vì mỗi bé có một sơ đồ phát triển riêng. Hơn ai hết ba mẹ là những người hiểu bé yêu nhất nên hãy lựa chọn một phương pháp thích hợp nhất để khuyến khích bé yêu đến nhà trẻ ba mẹ nhé.

7. Dấu hiệu nhận biết bé yêu vẫn chưa sẵn sàng đi nhà trẻ.

Bên cạnh việc khuyến khích bé yêu đi nhà trẻ ba mẹ cũng phải thật tâm lí để quan sát những hành vi cảm xúc của bé, xem bé đã sẵn sàng đi nhà trẻ chưa.Mỗi bé có một sơ đồ phát triển riêng vậy nên ba mẹ hãy quan sát xem bé nhà mình có những biểu hiện sau không?

  • Bé chỉ thích bám mẹ, ít hoạt động, rất nhút nhát khi ra ngoài chơi, bé rất ít chơi với các bạn gần nhà, sợ người lạ, hay khóc khi người khác bế. Nếu vậy ba mẹ không nên cho con đi nhà trẻ sớm, hãy chờ thêm một thời gian nữa cho con bạo dạn hơn.
  • Bên cạnh đó cũng không nên đưa trẻ tới trường sớm khi trẻ vẫn chưa thể nói bập bẹ, chưa biết thể hiện bằng hành động hoặc ngôn ngữ về nhu cầu khi cần uống cần ăn, cần đi vệ sinh, chưa biết tự nhai thức ăn đặc vừa, chưa tự ăn bằng muỗng, bé chưa hiểu được rõ những điều người khác nói…
  • Ngoài ra, cũng không nên tiếp tục cho bé đi nhà trẻ khi đi nhà trẻ về, bé có biểu hiện khác lạ. Chẳng hạn như bé khóc nhiều, quấy mẹ, bé bị ốm sốt, hay khóc đêm, bé hay khóc khi đến trường, …Ba mẹ đừng suốt ruột và lo lắng nhé, hãy chờ thêm một thời gian nữa bé sẽ hoàn thiện thêm những kĩ năng cần thiết khi đó ba mẹ sẽ yên tâm hơn khi đưa bé đến trường.

Tạm kết:

Hành trình nào khi bắt đầu cũng đầy khó khăn và thử thách, và hành trình cho bé yêu đi nhà trẻ cũng vậy. Là cha mẹ luôn mong giành những điều tốt đẹp nhất cho bé yêu, vậy nên lần đầu cho bé rời xa vòng tay chăm sóc của mình đầy vất vả. Nhưng ba mẹ hãy cứ yên tâm đặt niềm tin đúng cơ sở giáo sục uy tín, tin tưởng bé yêu rằng bé sẽ làm được. Chúc cho bé yêu của ba mẹ luôn mạnh khỏe, tự tin hòa nhập với ngôi nhà thứ 2 thật nhanh để bố mẹ yêm tâm đi làm nhé! Rất mong nhận được những ý kiếm đóng góp và chia sẻ của gia đình các bé về chủ đề “cho bé đi nhà trẻ khi nào là thích hợp nhất” để bài viết được hoàn thiện hơn.

Tham khảo ngay những kiến thức về: Chăm sóc và nuôi dạy con yêu tại đây.

473 views

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *